Hyundai Merchant Marine đã xác nhận kế hoạch đặt đóng mới 20 tàu container, trong đó có 12 tàu cỡ trên 20.000 TEU và 8 tàu cỡ 14.000 TEU. Những tàu container cực lớn sẽ được triển khai trên tuyến thương mại Á-Âu, trong khi đó những tàu 14.000 TEU sẽ được sử dụng trên tuyến xuyên Thái Bình Dương và bờ Đông Hoa Kỳ. HMM cho biết: “Xét đến các yếu tố bao gồm việc tăng giá gần đây và khả năng của các xưởng đóng tàu, HMM sẽ bắt đầu việc lựa chọn các nhà máy đóng tàu bằng cách gửi yêu cầu đề xuất cho các nhà máy đóng tàu vào ngày 10 tháng 4”. Những thảo luận của HMM với các nhà máy đóng tàu cho thấy việc lựa chọn động cơ sử dụng nhiên liệu có lưu huỳnh thấp kết hợp các thiết bị lọc hoặc sử dụng nhiên liệu LNG đều đang được cân nhắc. HMM cho biết: “Nếu quá trình đóng tàu diễn ra suôn sẻ sau khi lựa chọn đơn vị đóng tàu, ký cam kết và hoàn thiện hợp đồng, tất cả các tàu mới sẽ được bàn giao tuần tự đúng thời điểm để chuẩn bị cho các quy định mới về môi trường vào năm 2020”. Việc xác nhận đơn hàng được thực hiện theo kế hoạch tái cơ cấu ngành vận tải biển và đóng tàu do chính phủ Hàn Quốc công bố. Kế hoạch bao việc đóng mới lên tới 200 tàu, bao gồm 60 tàu container, được tiến hành cho đến năm 2020 và sẽ được hỗ trợ bởi các nguồn vốn nhà nước. Một phần của kế hoạch tái phát triển, các đơn đặt hàng sẽ được chuyển đến một trong ba nhà máy đóng tàu lớn của Hàn Quốc là Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering, Hyundai Heavy Industries và Samsung Heavy Industries. HMM cho biết: “Thông qua việc đóng mới tàu, HMM sẽ có khả năng tăng tính cạnh tranh đội tàu mạnh mẽ hơn, với lợi ích kinh tế dựa theo quy mô. Hơn nữa, nó sẽ giúp HMM tạo ra một nền tảng ổn định để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường cạnh tranh.” HMM là hãng vận tải lớn duy nhất không có lợi nhuận trong năm 2017, hãng báo lỗ 1,1 tỷ Đô la mặc dù sản lượng tăng, trong khi đó các hãng đối thủ đã bắt đầu hưởng lợi từ sự phục hồi trong ngành vận tải container. Nguồn: Lloyd’s List |