Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Hải Phòng khiến nhiều cảng “tắc”, giảm công suất vận hành, đồng thời khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành “bãi rác của thế giới”. Trong khi những đơn vị trong cuộc loay hoay tìm lời giải, dư luận đặt câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm khi hàng tỉ đồng có thể phải chi ra để giải toả số phế liệu này?
Cảng Việt Nam “ùn ứ” vì phế liệu
Trao đổi với báo Lao Động, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang thừa nhận, tình trạng tồn đọng container tại các cảng là vấn đề đau đầu và vẫn có những diễn biến rất phức tạp.
Theo ông Sang, việc các cảng hiện tồn đọng hàng nghìn container phế liệu được nhận định là do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải. Riêng tại cảng Cát Lái, TPHCM, đến ngày 12.6, có tổng cộng 534 container tồn đọng lưu tại cảng Tân Cảng – Cát Lái quá thời hạn 90 ngày mà chưa làm thủ tục hải quan, trong đó khoảng 70% là hàng nhựa/giấy phế liệu mà cơ quan hải quan yêu cầu khóa, không được giao nhận. Số container hàng tồn còn lại chủ yếu là hóa chất, máy móc thiết bị, phân bón, kính nổi màu, đồ chơi trẻ em…
Các hãng tàu cho biết, lượng hàng nhựa/giấy phế liệu này đang được tiếp tục nhập lượng lớn về Việt Nam, chưa có dấu hiệu dừng lại và container tồn đọng đang chiếm khoảng 10% tại Cát Lái khiến công suất thực của cảng giảm đi 8%.
Tương tự tại Cảng Hải Phòng, tính đến ngày 15.6.2018, cũng tồn 661 container, trong đó có 11 container 40’ nhựa phế liệu và 9 container lốp caosu cũ.
Đại diện cảng này cho biết, do hàng tồn lưu bãi lâu, chiếm diện tích khai thác, số tiền lưu bãi rất lớn, các cảng đều phải bỏ chi phí ra trông coi, bảo quản, trả lương cho người lao động nhưng số tiền lưu bãi mà các hãng tàu trả cho cảng là rất ít, hầu như các cảng đều phải miễn giảm toàn bộ để giải phóng kho bãi và chỉ thu hồi một phần nhỏ số tiền lưu bãi từ hàng tồn đọng này.
Khó giải toả, khó tìm người chịu trách nhiệm
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc xử lý dứt điểm tình trạng trên không dễ bởi trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng, vấn đề xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền và nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác.
Ngoài ra, đối với hàng hoá chậm luân chuyển hiện nay chưa có quy định cụ thể nên các cảng hiện buộc phải đưa ra những giải pháp “chữa cháy” tạm thời như chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Riêng tại cảng Tân Cảng, từ 10.6 – 30.9.2018, đơn vị chủ quan đã ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại cảng, ngưng tiếp nhận các container nhựa, giấy phế liệu từ các cảng nội địa khác và chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sang khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể.
Theo một số DN cảng, cơ chế hậu kiểm khá thông thoáng cùng việc cơ quan chức năng không cảnh báo sớm khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập 24 mặt hàng phế liệu là nguyên nhân khiến hàng nghìn container quá cảnh nằm lại mà không ai nhận. Các DN này cho rằng, cơ quan chức năng cần có biện pháp chính sách kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển, hạn chế đưa các container rác thải vào Việt Nam.
Phân tích về trách nhiệm của các bên liên quan đến tình trạng này, chuyên gia Nguyễn Duy Nghĩa cho rằng, Việt Nam nay đã là một trong những nước nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới và việc phải nhập khẩu phế liệu là việc cực chẳng đã trong thời thiếu thốn trăm bề, bị bao vây cấm vận tứ phía chứ không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay do đó, việc bao biện rằng để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội cần cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu là khiên cưỡng và việc đổ lỗi cho những sai phạm trong việc nhập khẩu phế liệu là do các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định về môi trường là che đậy những bất cập từ cơ chế chính sách, thiếu tinh thần trách nhiệm từ cơ quan quản lý đến bộ phận thừa hành…
Theo ông Nghĩa, cùng một lô hàng phế liệu nhập khẩu về cảng, “cơ quan này gật gù bảo được phép, cơ quan nọ lắc đầu, trái phép, không phải là hiện tượng cá biệt và từng lặp lại”.
Cùng quan điểm, một chuyên gia khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cho rằng, liên quan tới việc quản lý hàng hoá tại các cảng có ít nhất sự hiện diện của 3 bộ là Bộ GTVT với Cục Hàng hải, Bộ Tài chính với Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương nhưng vẫn thiếu sự cảnh báo sớm dẫn tới tình trạng “sự đã rồi mới tìm hướng giải quyết” và rất khó để quy trách nhiệm dù tình trạng này không chỉ làm ảnh hưởng tới hoạt động logistic, gây thiệt hại cho DN, cho nền kinh tế mà còn có thể ngốn hàng tỉ đồng ngân sách để giải toả phế liệu.
Về phần mình, Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo hướng xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo hướng phân loại theo chủng loại, số lượng, khối lượng, thành phần, tính chất hàng hóa, phế liệu, báo cáo Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng để thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà nước về tài sản đối với các container hàng hóa đã được phân loại theo quy định về xử lý hàng tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu theo Thông tư 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng như tăng cường kiểm soát, ngăn chặn phế liệu không đạt chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định nhập khẩu, hoặc lợi dụng nhập khẩu phế liệu đưa hàng cấm, hàng lậu vào Việt Nam.