Trang chủ Tin tức Tin quốc tế Cước phí vận tải biển cao kỷ lục

Cước phí vận tải biển cao kỷ lục

Cước phí vận chuyển hàng hải tăng đột biến và không có dấu hiệu chững lại cho đến cuối năm 2021, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn.

 

Tổng hợp bởi hãng tư vấn Drewry mới đây cho thấy, chỉ số container thế giới tổng hợp của 8 tuyến hàng hải chính đã tăng lên khoảng 2%, đạt mức 6.257USD, cao hơn gần 300% so với một năm trước và đạt mức kỷ lục kể từ năm 2011.
Cước vận chuyển trên tuyến Thượng Hải – Rotterdam đã tăng tới 10.174USD cho mỗi container loại 40 feet. Giá cước vận chuyển tuyến Thượng Hải – Genoa đạt 9.662USD. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp cũng cho biết phải chịu mức phí vận tải tăng nhiều lần chỉ trong vòng vài tháng.
Song song với việc tăng cước phí vận chuyển, giá sang nhượng tàu chở hàng cũng đang tăng theo cấp số nhân. Tháng 3 vừa qua, công ty International Maritime có trụ sở tại Monaco đã bán tàu container Crete I với giá 46 triệu USD, gấp 4 lần mức giá 11 triệu USD dùng để mua lại con tàu này vào cuối năm 2016.
Thực tế, chi phí vận tải đường biển đã tăng liên tục kể từ cuối năm 2020, hệ quả của những gói tài khóa, tiền tệ “siêu nới lỏng” khiến nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tăng nhanh, khiến thị trường vận tải hàng hải nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu. Vận tải hàng không tiếp tục bị gián đoạn cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu hàng hải.
Trong bản báo cáo cập nhật thị trường, công ty vận tải Flexport cũng nhận xét, tình trạng khan hiếm không gian và phương tiện đang cực kỳ nghiêm trọng trên toàn bộ tuyến thương mại Á – Âu.
Cung không đủ cầu, cộng với tình trạng container rỗng ngày càng tăng, doanh nghiệp không chỉ phải gánh cước phí vận tải cao, mà còn phải chi trả thêm tiền lưu kho, bãi vì khan hiếm tàu biển và trả tiền cho các container rỗng do sự chênh lệch về xuất khẩu và nhập khẩu ở các quốc gia.
Theo Flexport, hàng hóa có xuất xứ từ Đông Nam Á, Đài Loan và vùng Bắc Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đợt khan hiếm container này.
Dự báo, đợt tăng giá cước phí vận tải sẽ tiếp diễn trong tháng 6 và kéo dài đến tận những tháng cuối năm, bởi nhu cầu tiêu dùng luôn tăng cao khi bước vào mùa hè, đạt đỉnh điểm vào tầm tháng 8, tháng 9 hàng năm. Bên cạnh đó, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, tạo cản trở cho luồng lưu thông quốc tế.
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận xét, giá cước vận tải là một trong những thành phần chính của thương mại nên mức tăng cước phí vận chuyển đang đặt ra thách thức lớn đối với tiến trình phục hồi kinh tế cũng như thương mại toàn cầu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thủy hải sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự khan hiếm container, đặc biệt là những hàng hóa xuất khẩu tươi. Nhiều doanh nghiệp đã bị hủy đơn hàng vì thời gian chờ đợi giao hàng có thể còn vượt quá thời gian bảo quản.
Cước phí vận tải và giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng khiến giá thành sản xuất bị đội lên đáng kể, doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì hoạt động.
Theo khuyến nghị của UNCTAD, cần có một giải pháp tổng thể từ phía các chính phủ để đảm bảo sự lưu thông hàng hóa được thông suốt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Các đề xuất có thể kể đến như hạn chế thủ tục, giấy tờ; tập trung giải quyết sớm các vướng mắc pháp lý; hỗ trợ các hãng vận tải về kỹ thuật, quy trình, công nghệ và tài chính…
Tuy nhiên, trong thời gian chờ thị trường vận tải hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực ứng phó bằng một số phương án như giao hàng sớm và san sẻ chi phí với đối tác. Một số doanh nghiệp cũng tiến hành tìm kiếm nguồn cung ứng hoặc khai thác thị trường mới, bao gồm cả nguồn cung và thị trường trong nước để tối giản chi phí.
Phạm Sơn
theleader